MẠCH ĐẢO CHIỀU ĐỘNG CƠ 3 PHA

1. Khái quát

  • Mạch đảo chiều động cơ (mạch đảo chiều điều khiển động cơ ba pha) là một mạch điện được điều khiển, sử dụng để thay đổi hướng của động cơ điện 3 pha, quay thuận hoặc quay nghịch, được ứng dụng nhiều trong các mạch điện công nghiệp và mạch điện dân dụng. Có thể kể đến các mạch điện sau:
    • Máy công cụ: Máy phay, máy tiện, máy khoan
    • Bang tải và hệ thống vận chuyển vật liệu (trong các kho hàng Viettel Post, J&T…)
    • Bơm và quạt công nghiệp
    • Các thiết bị tự động hóa: Robot công nghiệp, máy đóng gói.
    • Thiết bị gia dụng: Cửa cuốn, máy giặt (lồng giặt đảo chiều)
  • Nhờ tính năng đảo chiều quay của động cơ, mạch điện đã đóng góp rất nhiều tiện ích cho hoạt động sản xuất, sau đây sẽ trình bày chi tiết sơ đồ nguyên lý và nguyên lý hoạt động của mạch điện.

2. Sơ đồ nguyên lý mạch điện

Sơ đồ nguyên lý mạch điện đảo chiều động cơ

 

Nguyên lý làm việc của mạch điện:

  • Điều khiển động cơ quay theo chiều thuận kim đồng hồ: Đóng Aptomat AT, nhấn nút mở máy M1, cuộn dây công tắc tơ K1 có điện, các tiếp điểm thường mở của công tắc tơ K1 được đóng lại, tiếp điểm thường đóng của công tắc tơ K1 được mở ra. Mạch động lực kín, động cơ được cung cấp điện 3 pha, quay với tốc độ n.
  • Điều khiển dừng máy: Nhấn nút D, cuộn dây công tắc tơ K1 mất điện áp, các tiếp điểm của công tắc tơ K1 trở về trạng thái ban đầu, mạch động lực hở, động cơ ngừng làm việc.
  • Điều khiển động cơ quay theo chiều ngược với chiều kim đồng hồ: Nhấn nút mở máy M2, cuộn dây công tắc tơ K2 có điện, quá trình diễn ra tương tự khi nhấn nút M1. Trường hợp này, 3 pha ở mạch động lực đã được đấu chéo vị trí giữa 2 pha bất kỳ, nên từ trường quay đổi chiều, trục động cơ bị kéo theo chiều ngược lại.
  • Trong sơ đồ trên, các tiếp điểm phụ thường mở được đấu song song với các nút mở máy, có tác dụng duy trì dòng điện cho mạch điều khiển, được gọi là tiếp điểm duy trì (tiếp điểm tự giữ). Các tiếp điểm phụ thường đóng được đấu nối tiếp với các nút mở máy, có tác dụng khoá liên động, khi thao tác nhầm, hai công tắc tơ cũng không thể cùng làm việc, không gây ra sự cố ngắn mạch 2 pha trên mạch động lực. Tiếp điểm này gọi là tiếp điểm liên động.

3. Kết luận

Việc nắm vững nguyên lý hoạt động của mạch đảo chiều giúp kỹ thuật viên dễ dàng trong việc thiết kế, lựa chọn thiết bị phù hợp, cũng như thực hiện kiểm tra, bảo trì và sửa chữa hệ thống điều khiển đảo chiều động cơ một cách nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, hiểu rõ nguyên lý này còn tạo nền tảng thuận lợi cho việc lập trình điều khiển trong các hệ thống tự động hóa.

Bạn cần hỗ trợ?