Sự kiện kết nối Thanh niên khu vực miền Bắc và Diễn đàn trẻ em, thanh niên cùng cộng đồng với Biến đổi khí hậu
Vừa qua, CLB NCKH của sinh viên Khoa Kỹ thuật điện đã tham dự một sự kiện hết sức ý nghĩa do tổ chức L&L cùng các bên liên quan đứng ra tổ chức. Sự kiện này được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền ý thức và việc làm ý nghĩa đến các thế hệ kế cận nhằm đối mặt và cải thiện vấn đề Biến đổi khí hậu cùng sự khủng hoảng năng lượng. Đại diện cho CLB là thầy Nguyễn Tuấn Anh và sinh viên ưu tú của lớp D11HCLC cùng sản phẩm đèn mặt trời đang được phát triển.
![]() |
I. Hội thảo về mục tiêu phát triển bền vững và vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) 1. Giới thiệu về mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam Phát triển bền vững là một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động liên quan đến mọi lĩnh vực trong đời sống như sức khỏe, giáo dục, y tế, an ninh xã hội,… với những tiêu chí cụ thể. Mục tiêu phát triển bền vững là một tập hợp các chỉ tiêu liên quan đến tương lai phát triển quốc tế. Cùng với các nước thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Tuy nhiên trong quá trình hành động hướng đến các mục tiêu đó, Việt Nam gặp không ít khó khăn bởi sự mơ hồ trong nhận thức, đặc biệt là ở thế hệ thanh niên. Xuất phát từ thực trạng đó, Hội thảo đã đưa ra được một số đề xuất như sau: - Tăng cường các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người nói chung và thế hệ thanh niên nói riêng. - Nghiên cứu cách tiếp cận mới, phù hợp với từng lứa tuổi, đặc biệt là thế hệ thanh niên. - Huy động người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng tại ngay nơi sinh sống của họ. 2. Giới thiệu về vấn đề ứng phó với BĐKH BĐKH Trái Đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. BĐKH đã, đang và sẽ gây ra nhiều hậu quả khủng khiếp cho thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thông qua hội thảo, các khách mời, thanh thiếu niên sẽ cùng chia sẻ những kiến thức về BĐKH, đưa ra những ý kiến, giải pháp ứng phó BĐKH và giới thiệu các mục tiêu hiện nay: - Công tác phát triển trẻ thơ: Tiếp cận cuộc sống của các em nhỏ, phát triển giáo dục mầm non – tiểu học có chất lượng và có sự tham gia của cộng đồng cũng như lãnh đạo địa phương. Lập quỹ khuyến học, hỗ trợ sáng kiến thanh thiếu niên. - Giảm nhẹ, phòng chống rủi ro thiên tai: Nâng cao nhận thức của mọi người, đặc biệt là các trẻ em để tạo ra nền tảng kiến thức giảm nhẹ, phòng chống rủi ro thiên tai hoặc phát triển kinh tế không tách rời thiên nhiên. 3. Giới thiệu một số sản phẩm tiềm năng, góp phần ứng phó với BĐKH và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững 3.1. Bếp Thế hệ xanh (THX) Tham gia buổi trao đổi có anh Nguyễn Tuấn Anh và chị Đỗ Thị Thu Giang, người sáng lập nên Công ty Cổ phần Bếp THX. Anh chị giới thiệu Bếp THX là loại bếp sinh khối hóa khí (tức là nhiệt phân các nhiên liệu thành các loại khí có thể đốt cháy được) có thể dùng củi kết hợp với các loại rác nông nghiệp như rơm, trấu, mùn cưa,... Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Thực ra ý tưởng của mình đến từ chính nơi mình sinh ra. Hà Nội có 2 vụ mùa, kết thúc mỗi vụ mùa đó thì người dân phải tiêu hủy rất nhiều rơm rạ khiến cho cả Hà Nội phải ngửi khói rất khó chịu. Và lúc đó mình đã tự hỏi tại sao mình không tìm cách để hạn chế điều đó?...” Trong thực tế, mỗi Bếp THX tiết kiệm 50-60% củi đun và giảm 40% khí CO, CO2 thải ra môi trường. Do bếp rất nhẹ nên người sử dụng còn có thể dễ dàng xách bếp di chuyển, thuận tiện trong việc cất giữ. Đặc biệt hơn, với thiết kế đặc biệt của mình, bếp THX được châm lửa từ trên xuống thay vì từ dưới lên như những bếp truyền thống nên sẽ tạo ra ít khói hơn, tăng hiệu quả quá trình sinh khối hóa khí và còn tạo ra than sinh học để dễ dàng sử dụng tiếp cho lần sau. Sản phẩm này rất phù hợp với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, tránh được sự lãng phí rác thải nông nghiệp, giảm đánh kể diện tích cần thiết để tích trữ phụ phẩm nông nghiệp và giảm tác hại của việc đốt rác thải nông nghiệp đến môi trường. Đây là một sản phẩm cần được nhân rộng hơn nữa, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, nơi người dân có hoàn cảnh sống khó khăn. Hiện nay mức giá của một chiếc bếp THX là 200.000 đồng. 3.2. Sản phẩm từ cỏ Vetiver Trong buổi trao đổi, anh Ngô Đức Thọ, điều phối viên mạng cỏ Vetiver quốc tế, cũng giới thiệu sản phẩm tinh dầu Vetiver, được chiết xuất từ rễ cây cỏ Vetiver – loại cỏ phát triển mạnh mẽ ở các nước nhiệt đới, rất phổ biến tại Ấn Độ, cả lá và rễ của cây cỏ đều được sử dụng trong y học. Không chỉ đem lại mùi hương thơm dịu nhẹ, tinh dầu còn có rất nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe như khả năng chống oxy hóa và tái tạo làn da, tăng cường hệ miễn dịch và hệ thống thần kinh, làm giảm stress,… Với bộ rễ dài gấp 4-5 lần các loại cỏ thông thường, cắm sâu vào đất góp phần gia cố, giữ đất, cỏ Vetiver đã được áp dụng trong cả công tác phòng hộ, chống sạt lở đất và giúp các cây trồng xung quanh nó thích ứng với hạn hán. Bên cạnh đó, cỏ Vetiver còn được sử dụng để tạo ra các sản phẩm thủ công thay thế mây tre đan. Đây là một loại có rất đa dụng, được giới chuyên gia đánh giá cao và đang được bắt đầu triển khai tại Việt Nam. Sản phẩm nổi bật nhất về việc sử dụng cỏ Vetiver tại Việt Nam là sản phẩm Hương Hồng Hạc. Loại hương này được làm từ rễ cây cỏ Vetiver, không chỉ an toàn mà còn có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, hỗ trợ cho thiền định, yoga, là lựa chọn hàng đầu cho những phòng tập khí công cũng như thiền định đang ngày một phát triển. Hương hồng hạc còn rất có ý nghĩa trong việc thắp nhang, là một sự kính trọng rất chân thành của người dân Việt Nam muốn gửi đến tổ tiên và các vị thần linh. 3.3. Sản phẩm từ thiên nhiên của Vietherb Với sứ mệnh bảo tồn cây thuốc nam bản địa trong tự nhiên gắn liền với tri thức sử dụng cây thuốc đó, kết nối mạng lưới các thầy thuốc nam, lưu truyền và ứng dụng những bài thuốc nam cổ truyền vào cuộc sống, đồng thời gây dựng không gian sống xanh gắn kết những người muốn bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bằng các sản phẩm từ cây cỏ tự nhiên, Vietherb đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả giới chuyên gia và những người tiêu dùng. Người sáng lập công ty thuốc Nam Việt (Vietherb), anh Đỗ Hoàng, cũng đem đến buổi hội thảo những thông điệp ý nghĩa về con người và môi trường thiên nhiên. Thứ nhất, các sản phẩm của Vietherb luôn sử dụng bao bì là những túi giấy, túi vải. Đây là những chất liệu dễ phân hủy, hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường như túi nylon, góp phần giải bài toán xử lý rác thải tại Việt Nam. Thứ hai, để tận dụng được nhiều hơn các giá trị thảo dược trong cuộc sống của chúng ta, ta phải tạo một môi trường tốt cho cây thuốc phát triển. Chính vì lẽ đó, anh Đỗ Hoàng luôn chú trọng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng như một việc làm tất yếu để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của mình. Qua đó, anh muốn mọi người trân trọng hơn mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cùng thiên nhiên chung sống. 3.4. Sản phẩm đèn năng lượng mặt trời Trong buổi hội thảo, thầy Nguyễn Tuấn Anh – giảng viên trường ĐH Điện Lực giới thiệu: “Xuất phát từ nhu cầu đem lại ánh sáng đèn để phục vụ cho đời sống của bà con những vùng chưa có điện lưới, CLB Sinh viên Nghiên cứu khoa học của trường ĐH Điện Lực (EPU) đã nghiên cứu và chế tạo thành công sản phẩm đèn chạy bằng năng lượng mặt trời.” Dự án này vô cùng thiết thực và có rất nhiều ưu điểm nổi bật như: - Tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời để phát điện. Đây là nguồn năng lượng sạch, dồi dào không gây ô nhiễm, đặc biệt phù với cho những nơi vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, điều kiện đặc thù để phát điện. Bên cạnh đó, dự án này còn góp phần rất lớn trong việc tiết kiệm điện và tiết kiệm chi phí sử dụng điện. - Có thể sử dụng được cả ngày lẫn đêm nhờ có nguồn pin dự phòng, đảm bảo chiếu sáng tốt cho mọi hoạt động trong ngày cho người dân, nhất là việc học tập của các em nhỏ nơi vùng sâu, vùng xa, chưa có điện lưới. - Nhỏ gọn, dễ triển khai, lắp ráp trên quy mô lớn. - Có tính thực tế cao, áp dụng vào chiếu sáng công cộng. Ví dụ như đèn đường, đèn ở các sân đa năng tại trường học,… - Mở ra các hướng nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời mới trong tương lai. Hiện nay cả thế giới đang hướng đến việc sử dụng năng lượng sạch, nếu Việt Nam đầu tư vào sử dựng năng lượng mặt trời ngay từ bây giờ là rất phù hợp, tạo tiền đề cho các sản phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời trong tương lai không xa.
Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Tuấn Anh cũng chia sẻ: “Nếu lắp đặt hệ thống điện sử dụng pin năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình, người tiêu dùng hoàn toàn có thế bán lượng điện năng dư thừa khi không sử dụng lên lưới điện quốc gia. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sử dụng điện của gia đình, mà còn có thể giúp kiếm được một khoản tiền lãi nhất định từ việc bán lượng điện năng đó.” II. Tham quan các mô hình phát triển bền vững mới 1. Sapa O’Chau Sapa O’Chau là cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải, Sapa theo mô hình du lịch cộng đồng. Được chị Tẩn Thị Shu thành lập năm 2007, mục đích chính của Sapa O’Chau là bảo tồn các giá trị văn hóa, các nét đẹp trong phong tục của người Mông. Du khách khi tham gia vào các tour của Sapa O’Chau sẽ được tham quan và giới thiệu về đời sống hằng ngày của người dân tộc Mông. Nguồn thu từ du lịch sẽ được sử dụng để hỗ trợ trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chính Sapa O’Chau hiện nay cũng đang hỗ trợ nơi ăn ở, học tập bán trú và nội trú cho 40 em học sinh. Không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa và khuyến học, Sapa O’Chau còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người Mông. Hiện tại Sapa O’Chau có 37 hướng dẫn viên du lịch và 25 nhân viên, chị Shu cho biết “Sau một thời gian làm việc tại Sapa O’Chau, các bạn nhân viên hoàn toàn có thể mua được trâu bò, mua được xe máy,…”. Bên cạnh đó, Sapa O’Chau còn liên kết với các hộ gia đình để lập mô hình Homestay (thay vì ở khách sạn hoặc nhà nghỉ thì khách du lịch sẽ ở ngay tại nhà của dân địa phương để có thể có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa nơi đây) Hiện nay Sapa O’Chau đang tiếp tục phát triển, tập trung khắc phục những khó khăn như quản lý công nhân viên và học sinh, vấn đề tài chính trong các chương trình lớn và quan trọng nhất là quá trình xử lý rác thải trong địa bàn hoạt động. Mục tiêu và ý nghĩa của Sapa OChau được thể hiện trên chính bức tường lớn tại văn phòng 2. Catcat Natural Oil
Ở Sapa có rất nhiều loại thảo dược quý, nhưng hầu hết trong số đó chỉ phát triển vào mùa hè. Xuất phát từ nhu cầu sử dụng các loại thảo dược đó vào mọi thời điểm trong năm, anh Má A Nủ đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng với sản phẩm tinh dầu tự nhiên chiết xuất từ các loại thảo dược truyền thống của người Mông. Tinh dầu mà anh Nủ chiết xuất được ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm phục vụ đời sống như dầu gội, sữa tắm, thuốc, nước hoa,… Anh Má A Nú đang giới thiệu về cơ sở sản xuất của Catcat Natural Oil Anh Má A Nủ chia sẻ với diễn đàn rằng hiện nay Catcat Natural Oil có hai cơ sở sản xuất, cơ sở chính nằm tại Hòa Bình – nơi có khu vườn 2 ha chuyên dùng để trồng và nghiên cứu các loại dược liệu với mục đích bảo tồn các loại thảo dược quý của người dân tộc Mông như màn tang, chùa dù, sả,… kết hợp với nâng cao hiệu suất sản xuất tinh dầu. Điều khiến cho Catcat Natural Oil trở nên khác biệt với các thương hiệu tinh dầu khác trên thị trường trong nước là việc Má A Nủ làm chủ gần như hoàn toàn các khâu, từ lựa chọn giống cây, trồng trọt hoặc khai thác trong thiên nhiên sẵn có cho đến tự tay nấu từng mẻ tinh dầu. Catcat Natural Oil sử dụng công nghệ sản xuất từ ĐH Bách Khoa HN, số tinh dầu thu được chiếm khoảng 50% lượng tinh dầu có trong nguyên liệu thô. Dây chuyền sản xuất chủ yếu sử dụng nhiệt năng (với nhiên liệu từ củi, than,…) và chỉ sử dụng điện năng trong các các khâu phụ như chiếu sáng, duy trì vận hành lò hơi. Lượng phụ phẩm, phế phẩm sau quá trình chế biến được anh Nủ tận dụng để ủ phân xanh hoặc làm nhiên liệu cho lần sản xuất sau. Mô hình doanh nghiệp Catcat Natural Oil được đánh giá là thân thiện với môi trường, phù hợp với các tiêu chí hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 3. SapaNapro
Tả Phìn, Sapa là nơi được coi như “quê hương” của thuốc tắm Dao. Chứng kiến thuốc tắm truyền thống của người Dao bị du lịch đại trà làm phai nhạt ý nghĩa và hương vị, anh Lý Láo Lở đã quyết tâm lập nghiệp để vừa phát triển du lịch vừa giữ được sự nguyên bản của những lá thuốc truyền thống. Anh Lý Láo Lở giới thiệu với đoàn tham quan các sản phẩm của SapaNapro Cộng đồng bà con ở Tả Phìn cùng với anh Lý Láo Lở đã cùng nhau thành lập nên Công ty cổ phần Kinh doanh sản phẩm bản địa Sapa – SapaNapro. Sau nhiều năm phát triển, SapaNapro bây giờ vừa sản xuất thuốc đóng gói, vừa là địa điểm tắm thuốc lá người Dao. Những lá thuốc tại đây được chọn lọc, hái lượm từ rừng và trồng trọt trong chính các hộ gia đình người Dao. Không chỉ có ý nghĩa trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa cho thanh niên, SapaNapro còn giải quyết một cách triệt để vấn đề việc làm của người dân nơi đây, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Anh Lở cho biết: “Những người làm việc tại SapaNapro có mức lương trung bình là 4.5 triệu đồng/tháng, giúp họ dễ dàng trang trải cuộc sống và tiết kiệm để mua xe máy, mua trâu bò,…” Tương tự như quy trình chiết xuất tinh dầu của Catcat Natural Oil, quy trình sản xuất, chế biến của SapaNapro chủ yếu sử dụng than, củi,… chỉ dùng điện năng để phục vụ chiếu sáng và duy trì vận hành lò hơi. Để tạo một môi trường tốt cho cây thuốc phát triển, công ty SapaNapro đã góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước như một việc làm tất yếu để đảm bảo chất lượng của cây thuốc. Đây chính là một dạng phát triển kinh tế xoay quanh du lịch bền vữa và phát triển bền vững dựa trên cộng đồng.
Một số hình ảnh tại cơ sở chiết xuất: III. Thay lời kết
Thay mặt CLB, xin được chân thành cảm ơn Ban tổ chức, đặc biệt là Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) đã tổ chức một chương trình vô cùng ý nghĩa. Thông qua chương trình, chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích và có những trải nghiệm đáng nhớ. Hy vọng các đề xuất về việc phối hợp sản phẩm đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời với các mô hình phát triển bền vững để tăng cường tính thân thiện với môi trường của các mô hình. Đề xuất này đã được các đại biểu, khách mời tại hội thảo hưởng ứng nhiệt liệt. Chương trình đã mở ra cho CLB Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Khoa Kỹ thuật điện, ĐH Điện Lực những định hướng mới về dự án khai thác năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo tại Việt Nam và những ý tưởng mới về việc cải tiến sản phẩm đèn năng lượng mặt trời sao cho hiệu quả hơn, phù hợp hơn trong tương lai.
CLB SVNCKH |